ƠN THA THỨ DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NGÔN SỨ HÔ-SÊ
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1) Câu Lời Chúa trên cho chúng ta phần nào hiểu được sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho các ngôn sứ là giáo dục, hướng dẫn dân đi theo đướng lối của Thiên Chúa. Cuộc đời và lời rao giảng của mỗi vị ngôn sứ là cách thế Thiên Chúa bày tỏ tình yêu với dân riêng của Ngài. Ngôn sứ Hô-sê đã đi vào lịch sử như vị ngôn sứ bị vợ lừa dối nhưng vẫn hằng yêu mến nàng dù nàng bất trung. Hô-sê cũng vác một thánh giá như Thiên Chúa, là luôn yêu thương tha thứ cho một người đàn bà bất nhất và bất trung . Qua câu chuyện hôn nhân của vị Ngôn sứ cho chúng ta cảm nghiệm “Ơn tha thứ của Thiên Chúa dành cho dân Ngài”.
1. Hôn nhân của Hô-sê.
Chúng ta có thể nhận thấy hai điều kỳ lạ trong cuộc hôn nhân của Hô-sê. Trước hết đó là cuộc hôn nhân vượt quá tự nhiên. Nếu dùng lối hiểu của con người chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không thể chấp nhận cuộc hôn nhân của Hô-sê, đó quả là một điều phi lý. Cuộc hôn nhân ấy đi ngược với tâm lý tự nhiên của con người. Chính Hô-sê đã chủ động đi tìm và cưới Gô-me – người phụ nữ có nguồn gốc không tốt đẹp (Hs 1,2-3). Hơn thế nữa, người vợ của ông lại còn ngoại tình. Thế nhưng vâng lời Chúa, ông đã tha thứ cho vợ và đón nhận vợ trở về: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình” (Hs 3,1-5).
Thứ đến đây là cuộc hôn nhân vượt qua Lề Luật. Trong lề luật của dân Do Thái có quy định: “Các tư tế không được lấy một gái điếm hay một người đàn bà bị làm nhục” (Lv 20,7). Mặc dù Hô-sê không phải là tư tế nhưng ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn làm ngôn sứ để công bố sứ điệp của Ngài. Xét theo khía cạnh này, ông có thể được xem như là người của Thiên Chúa. Vì thế theo lẽ thường ông cần phải tuân giữ luật hơn những người khác. Ông sẽ loan báo cho dân đã không tuân giữ lề luật mà ngay chính bản thân ông lại vượt ra khỏi lề luật, đây quả là một điều nghịch lý.
Trên nền tảng của những điều nghịch lý ấy, cho chúng ta khám phá dung mạo của một Thiên Chúa tình yêu luôn sẵn sàng yêu thương và tha thứ vượt quá sự nhận biết của con người.
2. Ơn tha thứ của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8), đó là lời khẳng định của thánh Gio-an Tông Đồ. Từ lời khẳng định này chúng ta nhận ra yêu thương và tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Theo dòng lịch sử cứu độ, kể từ khi nguyên tổ phạm tội là chối từ tình yêu Thiên Chúa thì ngay lập tức Ngài đã trao ban lời hứa cứu độ (St 3,15), và khi Ngài lập Giao Ước với dân Is-ra-el thì chẳng bao lâu sau, dân đã hết lần này đến lần khác hủy bỏ Giao Ước mà chạy theo các tà thần. Những lời rao giảng của Hô-sê như một bản cáo trạng Thiên Chúa kể ra những tội lỗi mà dân Is-ra-el đã phạm. Từ hàng ngũ tư tế, vua chúa quan quyền cho đến dân chúng… tất cả đều lãng quên giao ước với Thiên Chúa. Nhưng đằng sau những lời kết tội đó cho chúng ta cảm nhận một vị Thiên Chúa đầy tình yêu thương: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Ngôn ngữ mà tác giả sử dụng diễn tả trái tim từ ái của người cha vì thương yêu con cái. Nỗi dằn vặt nơi sâu thẳm tâm can muốn đánh phạt, muốn sửa dạy, muốn bỏ mặc con cái vì bao lỗi lầm chúng phạm nhưng chẳng đành lòng: “Hỡi Ep-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Is-ra-el, Ta trao nộp ngươi sao đành!” (Hs 11,8). Và rồi cũng trong nỗi niềm thương yêu ấy Thiên Chúa đã ra quyết định: “Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ep-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,9). Thật thú vị, khi Hô-sê sử dụng những ngôn ngữ diễn tả cảm xúc yêu thương của con người để biểu đạt tình yêu Thiên Chúa. Nhưng qua những ngôn ngữ biểu cảm đó, người đọc dễ dàng khám phá ra dung mạo yêu thương của Thiên Chúa, từng câu từng chữ có thể chạm vào sâu thẳm trái tim con người.
Nét đặc biệt nơi Hô-sê khi diễn tả về sự tha thứ vượt quá lối nghĩ của con người. Ông sẵn sàng tha thứ cho người vợ đã bỏ ông đi ngoại tình, hơn nữa sự tha thứ ấy không phải xảy ra khi người phụ nữ tìm trở về nhưng là chính Hô-sê đi tìm và đưa bà trở về. Sự tha thứ là hình ảnh diễn tả sự tha thứ Thiên Chúa dành cho dân Ngài, khác với khái niệm truyền thống về ơn thứ tha. Theo lẽ thường thì hoán cải đi trước rồi sau đó là ơn tha thứ, nhưng đối với Hô-sê thì tha thứ lại đi trước. Như thế có nghĩa là Thiên Chúa tha thứ trước khi con người hoán cải. Thiên Chúa tha thứ ngay cả khi con người không hoán cải. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ.
Sự tha thứ của Thiên Chúa, vượt trên sự mong đợi của con người. Thiên Chúa không bỏ rơi con người vì sự tội lỗi mà họ đã xúc phạm, Ngài vẫn luôn hằng yêu thương, tha thứ và chờ mong con người trở về. Ngài không đòi chúng ta phải tuân giữ lề luật mới được nhận lãnh ơn tha thứ nhưng chính “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Khi cảm nghiệm được tình yêu cao vời đó, không phải để chúng ta tiếp tục ngủ vùi trong tội lỗi nhưng là lời mời gọi hoán cải không ngừng để đáp trả tình yêu Chúa, dù rằng sự đáp trả ấy không thêm gì cho Chúa mà vì chính phần rỗi của chúng ta. Cũng từ cảm nghiệm đó, đưa dẫn chúng ta vào một chiều kích mới của tình yêu là vươn tới tha nhân trong yêu thương và tha thứ.
Học viện Thần học Thánh Phê-rô Lê Tuỳ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lời Chúa cho mọi người, Dịch và chú thích bởi nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hà Nội, Nxb: Tôn Giáo, 2013.