TÌNH YÊU TRAO HY VỌNG

TÌNH YÊU TRAO HY VỌNG

“Thiên Chúa là TÌNH YÊU”, lời khẳng định bình dị của Thánh Gio-an đang mời gọi chúng ta bước vào một hành trình thiêng liêng, rất cá vị, để cảm nghiệm và sống trong tình yêu của Chúa. Thực vậy, Tình yêu ấy trải dài suốt dòng lịch sử nhân loại. Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa luôn đồng hành để hướng dẫn, răn bảo và cứu vớt con người. Những cảm nhận về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương nhưng rất nghiêm khắc, nóng giận và thẳng tay sửa trị đã thấm đượm trong cảm thức của mọi thế hệ dân tộc Do Thái. Với riêng tôi, khi lắng nghe những sấm ngôn của Ngài, tôi không khỏi thắc mắc: “Phải chăng phán xét là lời cuối cùng của Thiên Chúa” hay còn thông điệp nào phía sau những lời ấy? Và qua những trang sách A-mốt, tôi đã khám phá câu trả lời cho những nghi vấn ấy.
Sách Ngôn sứ A-mốt, cho chúng ta trở về với dân Is-ra-el thế kỷ thứ VIII ( TCN), thời đại phồn thịnh,cuộc sống dư đầy với những lâu đài tráng lệ, biệt thự sang trọng… Nhưng trong lòng cuộc sống sung túc ấy, chứa đầy những bất công xã hội, phân biệt giai cấp và tội lỗi lan tràn. Trong bối cảnh ấy, A-mốt đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, trở nên Ngôn sứ nói Lời của Ngài. Với những ngôn từ khôn ngoan, mộc mạc, bộc phát và hay nhắc đi nhắc lại cùng với những lời sấm mạnh mẽ, những câu hỏi hùng biện, 9 chương sách A-mốt cho ta một bức tranh toàn cảnh về đời sống dân Is-ra-el thời bấy giờ. Người giàu có ngược đãi kẻ yếu hèn, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, lối phụng tự vụ hình thức…Từ chương 1,2 đến chương 9,10 là toàn bộ những lời cảnh cáo, buộc tội và lên án dân tộc Is-ra-el. Với những từ ngữ được sử dụng như: “ Đức Chúa gầm lên , nhuốm màu tang tóc , phóng hỏa, thiêu rụi , các mụ bò cái …”, cho ta thấy một kết cục tang thương, ngày tận số đang gần kề. Nhưng lời phán xét không phải là lời cuối cùng trong những trang sách ấy. Khi A-mốt mở ra cho dân tộc ấy một viễn tượng phục hưng và phồn thịnh, được mô tả chi tiết trong chương 9,11-15. Trong thời đại ấy, Thiên Chúa sẽ tái thiết dân tộc It-ra-el, ban cho họ một cuộc sống an bình ngay tại chính quê hương. “Ta sẽ trồng chúng trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi, trên thửa đất Ta đã ban cho chúng.” Để trên chính mảnh đất ấy, nơi mà trước kia họ đã sa ngã, phạm tội; thì nay, trong tình yêu thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, họ được Trỗi dậy và sống một đời sống mới. Họ được “ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác.” Một cuộc sống mới đang mở ra, trao cho họ một sức sống, niềm tin và hy vọng. Nơi Thiên Chúa, tình yêu tái sinh và trao ban sự sống, để mọi người đặt niềm cậy tin, đều được sống như chính Ngài đã hứa qua miệng ngôn sứ A-mốt: “ Hãy Tìm Ta thì các người sẽ được sống”. Lời hứa ấy mãi mãi tồn tại qua mọi thế hệ, để chúng ta luôn hướng về Chúa với đức tin và hy vọng, để được tái sinh trong Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa tẩy rửa mọi tội lỗi, sai lầm của nhân loại. Chỉ một lời hứa ban sự sống ấy, cũng đủ để xóa tan mọi buồn đau, thất vọng. Sáu câu Kinh Thánh mang một màu tươi sáng cho toàn bộ cuốn sách dài 9 chương, với chín mươi lăm phần trăm là những lời đe dọa, cáo tội. Với riêng tôi, khi đọc những trang cuối cùng của sách ngôn sứ A-mốt, trong tôi ngời sáng một niềm hy vọng. Khi đặt niềm tin nơi Chúa, tôi có cơ hội để hướng về tương lai; khi thực tâm tìm Chúa, tôi có cơ hội để trỗi dậy sau những vấp ngã do tội, để bước đi trong hành trình theo Chúa. Bởi lẽ, Tình yêu của Chúa có sức mạnh tha thứ, và tái sinh. Tôi được sống đời sống mới trong chính cuộc sống bình dị, trong chính con người của tôi nhưng được mặc lấy sức mạnh và tinh thần của Đức Ki-tô, một Thiên Chúa đang sống giữa nhân loại.
Vậy đó, nơi Thiên Chúa không có sự chết và tất cả những ai đặt niềm cậy tin nơi Chúa đều không phải thất vọng. Bởi thế, lời phán xét mãi mãi không bao giờ là lời cuối cùng trong tình yêu của Chúa.

Học Viện Thần học Thánh Phêrô Lê Tuỳ

Lên đầu trang