SỨ ĐIỆP CÔNG BÌNH TRONG LỜI CHỨNG CỦA NGÔN SỨ A-MỐT

SỨ ĐIỆP CÔNG BÌNH TRONG LỜI CHỨNG CỦA NGÔN SỨ A-MỐT

Công bằng xã hội là niềm ước mong của mỗi người trong mọi thời đại nhưng không phải thời nào cũng có những người dám đứng lên bảo vệ cho công bằng và chân lý như ngôn sứ A-mốt. Việc A-mốt đứng lên thay mặt những người nghèo khổ, lên tiếng tố cáo xã hội là cách mà ông đang dấn thân đấu tranh cho phẩm giá, nhân vị con người. Có thể nói trong tất cả các ngôn sứ, không vị nào lên án những bất công xã hội với những lời lẽ mạnh mẽ và giàu hình ảnh cho bằng ngôn sứ A-mốt nhưng qua đó cho chúng ta thấy rõ Thiên Chúa là Đấng yêu thương và luôn bảo vệ người nghèo.
Theo những gì được viết trong sách A-mốt, chúng ta có thể hình dung được ngôn sứ A-mốt sống vào cuối thế kỷ thứ VIII trước Chúa Ki-tô tức là sau biến cố chia đôi đất nước vào khoảng năm – 933. Ông sinh sống tại miền Nam bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi nhưng trong hoàn cảnh ấy, Chúa đã “bắt lấy ông khi ông đi sau đàn vật” và sai ông đi tới Is-ra-el ở phía Bắc. Ngôn sứ A-mốt hoạt động dưới thời Vua Gia-rop-am II của nước Is-ra-el và Vua Út-di-gia làm vua Giu-đa. Dưới thời trị vì của hai vua này, hai quốc gia phía Bắc và phía Nam đang đạt tới đỉnh cao của thịnh vượng, dân đang sống trong yên bình, thịnh đạt: hoạt động buôn bán diễn ra sầm uất, nhà cửa người giàu thì được trang trí xa hoa cầu kỳ, sự thờ phượng thì tỏ ra khoe khoang hào nhoáng, tầng lớp lãnh đạo lạm dụng quyền bính bóc lột người nghèo (Am 2,6-8; 5,11-12; 6,4-6) và đặc biệt họ nghĩ rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía họ. Giữa một bối cảnh như vậy, sứ điệp ngôn sứ A-mốt lại đi ngược lại khi ông lên tiếng tố cáo mạnh mẽ một xã hội đầy dãy những tham lam, thờ phượng giả dối vụ hình thức, với những lời sấm đanh thép, tới tấp tấn công tội ác của họ. Bởi vì qua lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, A-mốt thấy rõ được sự thối nát của đất nước này hơn ai khác. Đồng thời ông tuyên cáo những án phạt khủng khiếp đang chuẩn bị giáng xuống trên họ nếu không mau chóng sám hối, trở về với Thiên Chúa.
Trước hết, A-mốt lên án quan tòa vì họ đã “bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” (Am 2,6). Tiếp theo ông tố cáo đời sống vô luân tột độ của những người chủ đối với những người nô lệ, ông bênh vực và lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ ở giai cấp nô lệ khi họ bị coi như những món hàng giải trí cho chủ của họ: “Vì cả cha lẫn con đều đi lại với cùng một ả” (Am 2,7). Ông chỉ cho chúng ta thấy sự vô tâm của những kẻ làm nghề cầm đồ, những kẻ cho vay không chút xót thương, họ còn thêm tội bất trung với Thiên Chúa khi những gì tước đoạt của người nghèo lại đem hưởng thụ trước mặt Thiên Chúa. Nhưng điều làm ngôn sứ A-mốt lên án gay gắt nhất chính là lối sống hưởng thụ xa hoa của những người thuộc giới quý tộc trong khi dân nghèo khổ đến cùng cực (Am 6,4-6). Cuối cùng ông lên án bọn người kinh doanh gian lận, buôn gian bán thiếu và chèn ép những người nghèo khổ. Bởi vậy khi kết án xã hội bất công, A-mốt cũng thẳng thắn tố cáo tội thờ phượng giả dối, vụ hình thức, lối thờ phượng không gắn liền với cuộc sống công bình và chính trực(Am 5, 21-25). Thiên Chúa chỉ muốn công lý và sự thật lẽ ngay, công bình và bác ái, đó là lễ vật toàn thiêu đẹp lòng Chúa nhất. Ngôn sứ A-mốt cho thấy Thiên Chúa đang bừng cơn thịnh nộ và đe dọa đoán phạt. Chính vì thế, Thiên Chúa sửa trị tội bất công nặng nề hơn các sự trừng phạt thông thường. “Từ Xi-on, Đức Chúa gầm lên” (Am 1,2) “Tiếng gầm” của Đức Chúa từ thành thánh Giê-ru-sa-lem ngụ ý rằng Thiên Chúa sẽ xét xử tất cả những nơi trung tâm thờ các thần ngoại vốn lẽ ra phải là nơi để thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Chúa không phải như một vị quan tòa chỉ lo xét xử, lên án. Tiếng gầm của Thiên Chúa có ý diễn tả Ngài như một “sư tử mẹ” luôn đồng hành với “sư tử con” là toàn thể dân Ngài, lên tiếng để dân Ngài nhận ra mà quay trở về với Ngài.
Hơn bao giờ hết, thời đại hôm nay cũng đang đặt ra cho chúng ta những vấn nạn về tình trạng bất công trong xã hội. Ngôn sứ A-mốt cách nào đó là một chất vấn cho Giáo Hội hôm nay trong sứ mạng ngôn sứ của mình, đặc biệt trong lĩnh vực dám can đảm lên tiếng và kiên trì đối thoại để tìm ra những giải pháp giúp đỡ những người nghèo khổ.

Đất nước chúng ta mỗi ngày thêm phát triển, phồn thịnh để sánh vai với các cường quốc năm châu nhưng khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày vẫn gia tăng. Hằng ngày chúng ta vẫn xem trên các phương tiện truyền thông nêu ra những thông tin thật mâu thuẫn: nước ta có trữ lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2, thứ 3 thế giới, nhưng trong thực tế biết bao người dân phải bươn trải lo gạo ăn từng ngày. Trong thời điểm Covid 19 bùng phát dữ dội, đời sống người dân cùng cực đói khổ thì đã có những người tham lam, tận dụng cơ hội buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi dẫn đến biết bao con người phải nhận cái chết oan uổng. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1087 đã dạy: “Công bình đối với Chúa là thờ phượng, đối với con người là tôn trọng quyền lợi và sống hài hòa bằng cách đối xử minh chính với mọi người và thực thi công ích”. Là một Tu sĩ, lời sấm và đời sống của ngôn sứ A-mốt đang tác động trực tiếp đến tôi. A-mốt không thuộc tầng lớp bần cùng và cũng không cùng vương quốc với dân ông đang lên án, nhưng sao ông lại có thể cảm thông sâu xa nỗi thống khổ của người nghèo chịu bất công? Tại sao ông không thể ngồi yên khi thấy chuyện bất bình? Chắc chắn ông phải có một tương quan thật sâu đậm với Chúa và với tha nhân ông mới có một trái tim dễ cảm thương đến như vậy. Khi đọc sách A- mốt cho tôi nhận thấy rõ mọi tội của dân mà A-mốt lên án đều quy về nguyên nhân sâu xa nhất là dân phạm tội với Thiên Chúa, không trung thành với Giao Ước dẫn đến con người chống lại nhau. Từ đó, mời gọi tôi cảm nghiệm lời sấm của ngôn sứ A-mốt bằng một cái nhìn tình thương hơn thay vì lên án những thói hư tật xấu của họ.
Tựu trung lại, sứ điệp công bình là sứ điệp chính yếu của các Ngôn sứ trước lưu đày, trong đó nổi bật nhất là Ngôn sứ A-mốt. Nếu như trước kia A-mốt đòi dân phải trở về với Thiên Chúa để sống theo sự thật lẽ ngay thì hôm nay khi đọc sách A-mốt tôi cũng được mời gọi sống sứ điệp Công bình và bác ái bằng tất cả cuộc sống của tôi, qua lời nói và việc làm. Dù xã hội còn đầy dẫy những bất công nhưng ngôn sứ A-mốt đã cho tôi niềm tin tưởng vào tương lai là dân sẽ được cứu độ, dù đó chỉ là “số sót”.

Học viện Thần học Thánh Phêrô Lê Tuỳ

Tài liệu tham khảo
1. Nhóm phiên dịch các Giờ kinh Phụng Vụ, Lời Chúa cho mọi người.
2. Nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng Vụ, năm 2011.
3. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, năm 1992
4. Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, Để đọc các Ngôn sứ.
5. https://sjjs.edu.vn/mot-phac-hoa-ve-chan-dung-cua-ngon-su-a-mot-qua-tua-de-va-khai-de-cua-sach-a-mot/
6. Ngôn sứ A-mốt và sứ điệp công bình, truy cập tại http://thanhlinh.net

Lên đầu trang