THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TRUNG THÀNH
Một Thiên Chúa trung thành được diễn tả trong sách Giô-suê trong mối liên hệ với Tân Ứơc.
1. Dẫn Nhập
Chúng ta đang sống trong một xã hội chứa đầy những biến chuyển sâu xa và khó lường, trong bối cảnh mà con người bị cuốn vào những trào lưu của xã hội hiện đại là hưởng thụ, là cái tôi, là chủ nghĩa cá nhân, cùng với quan niệm “có tiền mua tiên cũng được” đang thịnh hành …. Làm cho những giá trị căn bản vĩnh cửu, những khái niệm về tình yêu thương, tình liên đới, sự trung thành, tín trung … đã trở thành cái gì đó thật xa lạ, thật cổ hủ và được tạm gửi vào “viện bảo tàng” nơi thường trú của những thứ gọi là “Đồ cổ”. Vậy đâu là lý do của những điều đó? Phải chăng chúng ta không thể sống tình yêu thương, khó trung thành, dễ dàng phản bội nhau, bởi vì chúng ta không biết nghĩ cho người khác, quên đi sự hiện diện của những người xung quanh, chỉ biết nghĩ đến mình, sống cho chủ nghĩa “quy tôi”? Điều đó cho thấy con người chúng ta có thể bất trung phản bội và chối bỏ lẫn nhau, nhưng Thiên Chúa thì khác, Ngài không chối bỏ chúng ta, Người luôn trung tín đối với tới tất cả mọi người bởi bản chất của Ngài là yêu thương và thành tín. Thánh Phao-lô đã nói: “Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình Ngài” (2 Tm 2,13). Sự trung tín ấy được biểu lộ trong chương trình cứu độ, và trải dài trong suốt dòng lịch sử bằng những giao ước Thiên Chúa đã ký kết với con người qua các tổ phụ, và cụ thể hơn hết sách Giô-suê là một trong những cuốn sách lột tả rõ nhất khuôn mặt của một vị Thiên Chúa trung thành với giao ước và luôn ở với con người: “trót đời ngươi sống, thì chẳng sẽ ai được chống cự trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng người như ta đã ở cùng Môi-sê, ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (Gs 1,5). Thiên Chúa hứa sẽ ban miền đất hứa nếu con người luôn trung tín tuân giữ lề luật và huấn lệnh của Thiên Chúa qua Mô-sê tôi tớ của Người.
2. Theo Truyền Thống Cựu Ứơc.
Lần bước theo dòng lịch sử ta tìm về với Cựu ước, khởi đi từ thưở nguyên sơ, theo truyền thống của Thánh Kinh ban đầu chỉ có hai người đó là A-đam và E-và, tưởng rằng đôi bạn này sẽ cùng nhau an hưởng niềm hạnh phúc viên mãn mà Thiên Chúa đã trao ban. Nhưng thật đáng tiếc lòng tham và sự kiêu ngạo muốn nên ngang bằng với Thiên Chúa đã khiến họ phạm tội bất trung phản bội lại tình yêu thương của Thiên Chúa, điều này đã mang đến hậu quả không nhỏ cho chính bản thân họ và cho cả nhân loại mãi đến sau này. Tội bất trung của A-đam và E-và đã mở đầu cho vô vàn sự bất trung của toàn thể nhân loại đối với Thiên Chúa. Trong hình trình sa mạc suốt 40 năm trường đã không biết bao lần con cái Is-ra-en nghi ngờ vào lòng thương xót và trung tín của Thiên Chúa họ kêu trách ông Mô-sê, họ đòi đúc bò vàng để thờ …. Sự phản bội của con người đối với Thiên Chúa dù là âm thầm hay ra mặt thì nó cũng làm cho con người nhiều lần phải rời xa tình yêu thương của Thiên Chúa và lãnh lấy những hậu quả do chính tội lỗi gây ra. Nổi bật lên trên những bất trung ấy, Kinh Thánh lại diễn tả hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu Ngài chậm giận và giàu lòng thương xót đến độ tình thương yêu ấy gần như biết thành một công thức trong Thánh Kinh : Phản bội – nổi giận – tha thứ. Bởi vì tình yêu thương và sự trung tín của Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả sự bất trung, sự phản bội và lớn hơn mọi tội lỗi của con người. Điều này được minh chứng cụ thể qua giao ước mà Thiên Chúa kí kết với con người.
2.1. Thiên Chúa Hứa Với Áp-ra-ham.
“Đức Chúa phán với ông Áp-ram:“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” ( St 12,1-3). Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại khi chọn gọi và ký kết giao ước với tổ phụ Áp-ra-ham. Qua giao ước này Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Ông một dòng dõi đông đúc, đất đai phì nhiêu và qua họ mọi dân tộc sẽ được chúc phúc. Áp-ra-ham đã hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa để rồi sẵn sàng hiến tế chính con một của mình làm của lễ. “Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2). “Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ, Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”(St 22,9-12). Cũng qua giao ước này, ta thấy Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng phẩm giá của con người, Người tôn trọng giao ước đã ký kết khi con người tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.
2.2. Thiên Chúa Nhắc Lại Lời Hứa Với Mô-sê.
Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Người luôn đi bước trước để từng bước đi vào lịch sử của con người, Người làm chủ lịch sử và hướng nó đi theo kế hoạch của Người. Lịch sử của các giao ước là hướng đi mà Thiên Chúa đến với con người và để con người được đụng chạm tới tình yêu thương của Thiên Chúa. Lời hứa Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham, nay tiếp tục được nhắc lại với Mô-sê, giống như sự nối tiếp không ngừng nghỉ về tình yêu thương của Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại qua những người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đức Chúa. Ta đã hiện ra với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp với tư cách là Thiên Chúa Toàn Năng, nhưng Ta đã không cho họ biết danh của Ta là Đức Chúa. Ta lại còn lập giao ước của Ta với họ để ban cho họ đất Ca-na-an, là đất khách quê người, nơi họ sống như những khách lạ”(Xh 6,2-4). Hay trong I-sai-a Thiên Chúa hứa sẽ ban đất hứa làm sở hữu cho họ: “Dân của ngươi gồm toàn những người công chính, chúng sẽ được đất nước làm sở hữu đến muôn đời. Chúng sẽ là mầm non trong vườn cây của Ta, là công trình do tay Ta thực hiện để làm cho Ta được hiển vinh”( Is 60, 21). Có điều đặc biệt là miền đất hứa ở đây ta không chỉ còn hiểu đơn thuần theo nghĩa vật lý, cũng không phải là miền đất Ca-na-an chảy sữa và mật hay bất cứ nơi nào khác, mà ở đây là chính Nước Trời, nước ấy là nước Thiên Đàng, nước mà chính Đức Ki-tô đã chịu chết để chúng ta được tham dự vào. Bởi Đức Ki-tô đã nói: “Lòng các con đừng bối rối, đã tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Ta nữa. Trong Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các con rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các con một chỗ rồi Ta sẽ trở lại đón tiếp các con về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó” ( Ga 14,1-3). Trên Thập giá cũng chính Người đã hứa với người trộm lành: “Ngay hôm nay ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng…”( Lc 23,43). Lời hứa về miền đất hứa, cũng là nước trời mà Thiên Chúa muốn cho con người được vào cư ngụ ngay khi Ngài thực hiện chương trình cứu độ từ trong khởi nguyên và sẽ còn mãi đến tận cùng.
3. Trong Truyền Thống Tân Ứơc.
Tình yêu cứu độ được khởi đi từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo và được nối dài qua các giai đoạn của lịch sử cứu độ. Lịch sử ấy được ghi chép cẩn thận trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh được Giáo Hội đưa vào quy điển Thánh Kinh, các cuốn sách này tuy được viết vào các thời điểm khác nhau, nhưng nội dung chỉ quy về một điểm duy nhất là ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện đối với con người. Cho nên Cựu ước và Tân ước có mối dây liên kết mật thiết với nhau, Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước. Cũng qua Cựu Ước mà Tân Ước luôn nhắc nhớ về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện và ký kết với dân người: “Bấy giờ, vị thượng tế hỏi ông Tê-pha-nô: “Có đúng như vậy không?” Ông đáp: “Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe tôi đây: Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mê-xô-pô-ta-mi-a, trước khi ông đến ở Kha-ran. Người phán với ông: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng ngươi và đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ông liền bỏ xứ người Can-đê mà đến ở Kha-ran. Sau khi thân phụ qua đời, Người bảo ông rời nơi ấy đến đất này, nơi anh em hiện đang ở” (Cv 7, 1-4). Hay trong Công vụ Tông đồ chương 13 câu 17-25 có nhắc nhở ta về điều này: “Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc. Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Ca-na-an và ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm. Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Sa-mu-en. Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Sa-un, con ông Kít thuộc chi tộc Ben-gia-min, trị vì bốn mươi năm. Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi và tôi không đáng cởi dép cho Người.” Từ đây, ta thấy nếu trong Cựu ước nổi bật lên khuôn mặt một vị Thiên Chúa trung tín qua các giao ước, Người dẫn dắt và đồng hành với con người qua các cuộc đánh chiếm; thì đến với Tân ước ta được chiêm ngưỡng dung mạo của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Người là Đấng: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12, 20). Người đến và trực tiếp đồng hành với con người ngang qua chính Đức Giê-su con một Người.
4. Đức Giê-su Ki-tô – Đấng Kiện Toàn Lời Hứa.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự hiệp hành, hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người để con người được bước vào đời sống của Thiên Chúa, có phẩm giá tự do và được làm con cái Thiên Chúa. Đức Giê-su đã trở nên một người tôi tớ trung thành để hiến thân trọn vẹn cho thánh ý Chúa được thực hiện. Trong suốt cuộc hành trình lữ thứ, Đức Giê-su đã trung thành trong thân phận của một người con để vâng phục thánh ý Chúa Cha, sẵn sàng bước vào mọi nẻo đường của cuộc sống. Người chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo khó, trên bước đường rao giảng không cửa không nhà, Người đã mang lấy những đau đớn mệt nhọc, những lo lắng buồn phiền khóc lóc thậm chí là mất mát của những người thân cận. Ngài chập nhận sự xa lánh của bà lối xóm, Ngài vác lấy cây thập giá với tất cả những lời phỉ báng coi thường của những con mắt đã một lần ngưỡng mộ…. chỉ vì sự trung tín của Ngài đối với Thiên Chúa là một sự trung tín tuyệt đối. Có thể nói hình ảnh của Đức Giê-su – một người tôi tớ trung thành cũng phần nào phác họa lên khuôn mặt thương xót và trung tín của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Thật thế Đức Giê-su Ki-tô là lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban cho con người, Người là giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với con người, để ngang qua Người công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành, đúng như lời Thánh Phao-lô đã nói: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh. Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”(Cl 1,12-20). Chính nhờ cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Giê-su đã khôi phục phẩm giá của con người, nâng địa vị con người lên làm con cái Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta vào con đường sự sống vĩnh cửu, sự sống trên trời trong miền đất Ca-na-an trên thiên quốc, đây chính là miền đất hứa mà Thiên Chúa muốn chúng ta được bước vào trong vương quốc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho mỗi người chúng ta: “Bấy giờ, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-4).
5. Đất Hứa Trong Niềm Hy Vọng Ki-tô Giáo.
“Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3,13)
Trong niềm tin Ki-tô giáo chúng ta luôn hướng về sự sống mới đến từ Thiên Chúa, đó là được bước vào miền đất hứa mà Thiên Chúa đã hứa ngay từ khởi nguyên bằng các giao ước được thực hiện qua các tổ phụ và cuối cùng được hoàn tất nơi Đức Giê-su con một Thiên Chúa. Đó sẽ là nơi mà con người được thỏa mãn niềm vui, niềm hạnh phúc được chính Chúa ban tặng: “Chúng ta không biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao…nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc nơi đó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người”. (Hiến chế Mục Vụ, số 39). Trong sự trông đợi tiến về trời mới và đất mới sẽ không làm cho con người trở nên ỉ nại chậm tiến, ngược lại nó thúc đẩy mỗi người tín hữu công giáo sống trong niềm hy vọng cùng nhau xây dựng nhân loại và phát triển thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn, sẽ không còn chiến tranh hận thù nhưng chúng ta sẽ luôn sống trong niềm hạnh phúc nước trời ngay tại trần thế này.
6. Kết
Quả vậy lời hứa cứu độ được trải dài trong suốt dòng lịch sử và được viết nên thành một câu chuyện cứu độ xuyên suốt và hoàn toàn thống nhất. Toàn bộ Kinh Thánh là một sợi chỉ đỏ sâu chuỗi các biến cố, các sự kiện để làm nổi bật lên dung mạo lòng thương xót và sự tín thành của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại qua hàng loạt các giao ước Thiên Chúa ký kết với con người và được kiện toàn nơi Đức Ki-tô con một Thiên Chúa. Lời hứa cứu độ ấy được khởi đi từ ngày đầu sáng tạo và được kéo dài mãi cho tới ngày mà Đức Ki-tô vinh hiển quang lâm. Miền đất Ca-na-an chảy sữa và mật Thiên Chúa hứa ban cho Is-ra-en trong Cựu ước cũng là hình ảnh tiên báo cho Nước trời vinh phúc mà Chúa Giê-su đã loan báo trong Tân ước. Điều đó cho thấy toàn bộ lịch sử cứu độ quả thật như một chiếc cầu nối kết giữa Cựu ước và Tân ước để đưa nhân loại tới một đích điểm duy nhất là chính tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa cùng với sự tín thành của Ngài. Về phần chúng ta chúng ta chỉ cần Tin và bước đi trong sự tín thác để tiến dần về miền đất hứa mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta.
M.Đặng Út