NỀN PHỤNG TỰ CHÂN CHÍNH

Thiên Chúa đã thiết lập nền phụng tự cho con người. Mọi lễ nghi phụng tự đều diễn tả mối liên quan giữa con người và Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải, đã khởi xướng nên mối liên quan Phụng tự này. Thiên Chúa đã bắc cầu liên lạc với tổ phụ Abraham, khi mời gọi ông lên đường bước đi theo Ngài. Cũng chính Thiên Chúa đã gắn bó với Nô-ê, với các tổ phụ Do thái; đặc biệt với Mô-sê khi tỏ mình ra cho ông để ông đứng đầu dẫn dắt dân được chọn đi vào Giao ước: mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Trong mối quan hệ Giao ước này, Thiên Chúa tỏ mình ra là Chúa của Is-ra-el, Đấng bao bọc che chở họ. Còn Is-ra-el cam kết nhận Thiên Chúa là Chúa của mình, kèm bổn phận phải yêu mến tôn thờ và trung thành với Ngài. Chúa đã chọn Is-ra-el làm thành dân tư tế của Chúa (Kh 5,10), dân vương đế thờ phượng Chúa, vì Chúa là Đấng giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Mối liên quan với Thiên Chúa mang tính phụng tự này, theo giòng thời gian, hàng tư tế, lễ vật đầu mùa và hy tế xuất hiện trong phụng tự.
Các Tổ phụ ban đầu, khi cầu khẩn Thiên Chúa, đã thiết lập bàn thờ và dâng hiến của lễ. Các của lễ xưa, chẳng hạn như thời Cain và Abel, hoàn toàn là sản phẩm của nếp sống nông nghiệp. Trồng trọt thì dâng hoa trái, hoặc chăn nuôi thì dâng dê cừu. Hiến lễ toàn thiêu súc vật dâng lên Chúa nhằm báo trước Hiến lễ hoàn hảo của Đức Ki-tô. Hàng tư tế Lêvi, bắt nguồn từ A-ha-ron, báo trước hàng tư tế của Tân Ước được tuyển chọn và nhận quyền tế lễ qua bí tích Truyền chức. Trước đó nền phụng tự là thánh thiện đẹp lòng Chúa. Nhưng dần sau đó nền tế tự Israel một thời đã nhiễm nặng từ bên ngoài nạn mãi dâm thánh. Khi nhìn thấy cảnh dân Ngài đang làm những điều trái mắt Ngài, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ tới.
Trước tiên, ta cần hiểu ngôn sứ họ là ai?
Trong nguyên bản Thánh Kinh, danh xưng này được gọi thông dụng là Na-bi. Theo Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, từ Na-bi có nhiều cách cắt nghĩa, như: người phát ngôn, người được đề cử để nói, người được Thiên Chúa gọi…Một cách bao quát là “người nói thay Thiên Chúa” hay “người được nghe Thiên Chúa nói”. Danh từ na-bi được dịch sang tiếng Hy Lạp trong bản LXX là prophetes, nghĩa là người nói thay Thiên Chúa. Như thế, tiếng Việt dùng danh xưng ngôn sứ là thích hợp nhất. Ngôn sứ là một người nói, làm hay viết dưới tác động đặc biệt của Thiên Chúa, để mặc khải cho mọi người biết những ý định và ý muốn của Thiên Chúa. Vì vậy, “để góp phần vào việc duy trì và phục hưng tôn giáo, để giúp dân luôn sống trung thành với minh ước trong những hoàn cảnh về mặt xã hội cũng như về chính trị, Thiên Chúa đã sai đến với dân Ngài các vị ngôn sứ.” Nói cách khác, Thiên Chúa sáng tạo con người và yêu thương con người bằng nhiều cách thế khác nhau. Trong số cách đó, Ngài dùng các vị trung gian để đến với dân cũng như trao các lệnh truyền cho dân để ai nghe và sống theo mệnh lệnh của Chúa thì sẽ được hạnh phúc hay được cứu sống. Vị trung gian đó chính là ngôn sứ của Chúa. Chúa chọn gọi và sai ngôn sứ đi nói những gì Chúa nói. Nói như vậy, ngôn sứ là đại diện cho Chúa để đến với dân và đón nhận ý dân để dâng lên Chúa.
Khi nhìn về mặt tôn giáo ta thấy rằng, tình hình cũng trở nên phức tạp không kém bình diện chính trị và xã hội. Ở phương Bắc, nhà vua đã cho xây đền thờ, trong đó có đặt tượng con bò vàng. Đây là hình thức tôn giáo ly khai khỏi đền thờ chính thức tại Giê-ru-sa-lem và mở cửa cho ảnh hưởng tôn giáo Ca-na-an du nhập vào. Riêng ở phương Nam, nhờ có đền thờ Giê-ru-sa-lem, nên tôn giáo ổn định hơn, nhưng người ta vẫn thấy cũng có nguy cơ khi phát triển theo chiều hướng nghi thức hơn là tinh thần. Bên cạnh đó, tôn giáo ngoại bang cũng xâm thực truyền thống phụng tự của dân.
Phụng tự là một sinh hoạt biểu lộ tính tôn giáo của con người, nhất là trong thời Cựu Ước. Trong bối cảnh Cựu Ước, tế tự là trung tâm của hình thức sinh hoạt tôn giáo. Các ngôn sứ cũng không là những người ngoài cuộc với sinh hoạt tinh thần này. Nhưng các ngài, cho dù đồng hành, thì vẫn bày tỏ lập trường, thái độ trước sinh hoạt ấy. Đâu là thái độ của các ngôn sứ đối với việc phụng tự chân chính?
Xét về phương diện phụng tự và nghi thức, các ngôn sứ cũng đã đính chính cái xu hướng của Ít-ra-en muốn nghiêng về một quan niệm máy móc và hình thức. Ngôn sứ đã giúp cho phụng tự thấm nhuần đạo đức. Trong từng bối cảnh riêng và tùy vào từng ngôn sứ mà lời lẽ và thái độ ngôn sứ thể hiện khác nhau về việc phụng tự.
Trước tiên, ngôn sứ Mi-kha bằng lời lẽ nhẹ nhàng và muốn mọi người hiểu rằng phụng tự không phải là yếu tố thiết yếu của chính giáo: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn “ ( Mk 6,8).
Kế đến, đối với ngôn sứ I-sai-a lại bày tỏ thái độ cởi mở. Với ông, tất cả mọi người, dù không phải gốc Do Thái, cũng có thể gia nhập cộng đoàn dân Chúa, miễn là giữ các đòi hỏi luân lý và tôn giáo. Hơn nữa, con cái người ngoại trở lại cũng có thể được chọn làm tư tế (66, 18-21). Thái độ cởi mở này khá đặc biệt, so với quan niệm cổ truyền trong Đệ Nhị Luật ( 23 , 2-9). Chương 56-66, I-sai-a chú trọng nhiều đến đền thờ và các nghi lễ, các hình thức tôn giáo (như bàn thờ, ăn chay, ngày Sa-bát …). Nhưng đồng thời cũng rất nhấn mạnh đến tinh thần đạo đức nội tâm: sự chay tịnh mà Thiên Chúa muốn không phải chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng là dẹp mọi áp bức, xóa mọi bất công và hết lòng phục vụ người khác: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7; 1, 11-17)
Tiếp sau, A-mốt tỏ thái độ mạnh mẽ hơn. Ông lên tiếng phản đối thái độ giả hình. A-mốt đưa ra nhiều lời sấm chống lại việc phụng tự ở Bêthen. Ông không coi mọi nghi lễ là xấu, nhưng nghi lễ không phải là điều cốt yếu của tôn giáo. Phụng tự hoành tráng làm người ta tự mãn và chẳng để tâm gì đến cảnh túng thiếu của người nghèo. Các lễ hội tổ chức trên sự bần cùng của người nghèo, hành hạ kẻ khó. Khi ngày đại lễ kết thúc, người ta lại tiếp tục chuyện buôn bán lọc lừa. A-mốt cho rằng: nghi lễ đích thực phải dẫn đến công bằng. Nếu không thực thi sự công bằng thì việc phụng tự chỉ làm Thiên Chúa nổi giận. Theo A-mốt, lối sống không chính đáng là thờ ngẫu tượng. Không phải là những lễ vật hy làm Thiên Chúa hài lòng, nhưng là sự công chính và công bằng: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường … Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5, 21-24).: Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; Hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu… (Am 5, 21-27; 4, 4-5)
Cuối cùng, Giê-rê-mi-a thì bày tỏ lập trường về phụng tự qua diễn từ về mối tương quan giữa việc tế tự trong đền thờ và việc thực thi công bình. Đây là một sấm ngôn lừng danh mãi mãi vang vọng sâu đậm trong lòng người thuộc mọi thời đại. Ông lên tiếng tấn công Đền Thờ, chỉ trích việc dân Ít-ra-en tôn thờ ngoại thần và tố cáo nền phụng tự chỉ có hình thức mà chẳng có lòng trung thành đích thực: “Thật, con cái Giu-đa đã làm sự dữ chướng mắt Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Chúng đã làm ô uế Đền Thờ là nơi danh Ta được kêu khấn, vì đã đặt vào đó những tương thần ghê tởm” (Gr 7, 30). Đối với Giê-rê-mi-a, vấn đề được đặt ra thật rõ ràng: mối tương quan giữa đời sống thường nhật và công việc phượng tự, sự đạo đức và việc tế tự. Việc thực hành tôn giáo trong đền thờ không thể thay thế cho sự công bằng trong tương quan người với người. Thiên Chúa của Ít-ra-en chỉ hiện diện giữa dân người với điều kiện dân sống tương quan huynh đệ và công bình. Việc thờ phượng không phải chỉ có hình thức bên ngoài mà phải có sự thánh thiện trong tâm hồn, phải sống đạo thật lòng qua cố gắng yêu mến và vâng phục Thiên Chúa (Gr 7, 3-7; 7, 21-26)(())
Các ngôn sứ khẳng định rằng việc phụng tự không thể xoá bỏ các lỗi phạm trong cuộc sống. Hơn nữa phụng tự không thể là chiếc cột thu lôi che chở cho những hành vi bất chính. Các ngài khẳng định một liên kết bất khả phân giữa đời sống đạo đức và việc phụng tự, giữa lời và hành động; giữa đạo và đời, giữa đức tin và cuộc sống. Tin Mừng Mát-thêu đã quả quyết: “Vậy, nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Khi nhìn vào xã hội ngày hôm nay, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội… Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống Đức Tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Phần lớn các nhà thờ thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng tanh khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó. Mặt khác tổ chức giáo xứ có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo hoành tráng, rất nhiều các sự kiện: làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ quạt, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện… Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau ghanh đua nhau bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào.
Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do “gần chùa gọi bụt bằng anh”, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Đó là tình thực trạng của những Ki-tô hữu hiện nay đối với việc thờ phượng Thiên Chúa mang một hình thức bề ngoài nhiều hơn mang tính chất nội tâm.
Còn đối với tôi là một tu sĩ, tôi đã sống thực hành nền phụng tự của tôi với Thiên Chúa và đối với anh chị em tôi như thế nào?
Khi xét lại bản thân, tôi nhận thấy rằng trong đời sống về việc phụng tự Thiên Chúa của tôi đôi khi còn mang những hình thức máy móc, và có khi chỉ là làm cho xong bổn phận hàng ngày của mình để cho mọi người thấy mình không phải là lười biếng, là người thánh thiện. Nhưng thực chất có những lúc tôi cảm thấy mình đến với Chúa mà tâm trí cũng như những hành động trong đời sống của tôi với Chúa và với tha nhân thì lại không mang một tâm tình thờ phượng Chúa, tôi để cho những thói hư tật xấu thống trị tôi, nó kéo tôi vào những suy nghĩ của một con người mang tính thế gian nhiều hơn là quy hướng và kết hợp với Chúa. Ngoài ra, những khi tôi thiếu đi sự kết hợp với Chúa thì tôi thấy mình có những lời nói hay hành động lại thiếu đi sự yêu thương và bác ái với tha nhân. Khi đó tôi cũng nhận ra rằng nếu một tâm hồn thờ phượng và kết hợp với Chúa thực sự và yêu thương tha nhân thì đó mới là môt của lễ có giá trị và đẹp lòng Chúa nhất. Thờ phượng Thiên Chúa một cách xứng hợp và chân chính là những gì mà các ngôn sứ đã khuyên răn và sửa dạy dân It-ra-el xưa kia cũng là một bài học cho chính bản thân tôi trong đời sống. Chính vì thế tôi cần ý thức lại trong việc thờ phượng Chúa của tôi. Vì một nền phụng tự chân chính không chỉ dừng lại ở việc phụng thờ Thiên Chúa một cách trang trọng, hoành tráng mà cần phải xuất phát từ nội tâm và lan tỏa qua việc sống bác ái với tha nhân
Phụng tự chân chính nơi các ngôn sứ là tinh thần đạo đức nội tâm, là chia sẻ và bác ái với tha nhân… “Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngài khẳng định rằng Thiên Chúa không thích việc tế tự bề ngoài với những hy sinh vật chất và dựa trên lợi lộc cá nhân. Việc phụng tự chân chính đòi phải có sự tương ứng giữa phụng vụ và đời sống. Đây là lời nhắc nhở có giá trị cho mọi thời và ngày này cũng có giá trị đối với chúng ta.” (x. SD 9-3-2015).
Nt.Têrêsa Ngô Thị Trang
