THÁNH GIÁO HOÀNG CLÊMENTÊ I

THÁNH GIÁO HOÀNG CLÊMENTÊ I

Giáo Hội – Một Cộng Đoàn Hiệp Thông Mang Tính Bí Tích

Giáo hội ngay từ thuở khai sinh đã phải đương đầu với những thách đố nội tại và ngoại tại. Về nội tại, Giáo hội non trẻ phải giải quyết những khủng hoảng về đức tin và luân lý Kitô giáo nơi các giáo đoàn. Thêm vào đó, Giáo hội phải đương đầu với những lạc giáo. Về ngoại tại, Giáo hội phải đối diện với những cuộc bách hại thảm khốc bởi các hoàng đế Rôma, đặc biệt là Nêrô (54-68), Vespasianô (69-79), Titô (79-81), và Đômitianô (81-96). Trong bối cảnh này, các Tông đồ cùng với vô số các Kitô hữu nguyện sống chết trung thành bảo vệ đức tin Kitô giáo. Trong số những chứng nhân kiên trung của Giáo hội sơ khai, có những người đã để lại cho chúng ta những chứng từ sống động qua các tác phẩm văn chương quý báu của mình. Các ngài được gọi là các “Tông phụ”, nghĩa là những thế hệ thứ nhất và thứ hai trong Giáo hội sau các Tông đồ. Một khuôn mặt nổi bật trong số các Tông phụ mà chúng ta không thể không biết đến, đó là Thánh Giáo hoàng Clêmentê I. Ngài là Giám mục Rôma trong những năm cuối của thế kỷ thứ nhất, là người kế vị thứ ba của Thánh Phêrô, sau Giáo hoàng Linô và Anacle (x. Thánh Clêmetê, ĐGH Bênêđictô XVI, Thánh Clêmetê, Giám mục Rôma, Tiếp Kiến Chung, Hội trường Phaolô VI, thứ Tư, 07 tháng 3 năm 2007). Ngài là chứng nhân đã sống chết để bảo vệ Giáo hội – Thân thể Mầu nhiệm Đức Kitô – một cộng đoàn hiệp thông mang tính bí tích. Thực tại này được ngài quảng diễn một cách sâu sắc trong Thư gửi tín hữu Côrintô.

Giáo đoàn Côrintô không phải lần đầu tiên nhận được lá thư giải thích về ý nghĩa của Giáo hội. Trước khi nhận Thư của Thánh Clêmentê, giáo đoàn Côrintô đã được Thánh Phaolô, trong hai lá thứ, giải thích một cách cẩn thận về Mầu nhiệm Giáo hội, đặc biệt là Mầu nhiệm hiệp thông trong Đức Kitô. Ngài viết: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Sự hiệp thông được Thánh Phaolô diễn tả qua Nghi thức bẻ bánh như sau: “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Bằng cách này tất cả chúng ta được trở nên những chi thể của Thân Mình Người (x. 1 Cr 12,27), “vì mỗi người đều là chi thể của nhau” (Rm 12,5). 

Trong cùng một truyền thống, Thánh Clêmentê chỉ ra hai nhân đức trụ cột cấu thành sự hiệp thông trong Giáo hội, đó là khiêm nhường và tình huynh đệ. Hai nhân đức này thật cần thiết đối với giáo đoàn Côrintô khi đang ở trong tình trạng chia rẽ và nổi loại. Khi chứng kiến cảnh tượng này, với tính trổi vượt của Giáo hội Rôma, Thánh Clêmentê trong cương vị là Giám mục Rôma đã viết một lá thư khuyến khích các tín hữu Côrintô sống tình hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa (Laos). Ngài đã khuyến khích họ như sau: “Khi thấy rằng chúng ta là một phần của Đấng Thánh, chúng ta hãy làm tất cả những điều liên quan đến sự thánh thiện” (Clêmentê, Thư gửi tín hữu Côrintô, 30,1).

Một cộng đoàn hiệp thông mang tính bí tích được hiện thực hóa trong cử hành phụng vụ. Sự hiệp thông trong cấu trúc của Giáo hội mang tính bí tích chứ không phải chính trị. Giáo hội là một cấu trúc có phẩm trật theo ý muốn của Chúa. Đức Giáo hoàng Clêmentê I khẳng định rằng chính Chúa “đã thiết lập nơi và bởi ai Người muốn các chức năng phụng vụ được thực hiện, để tất cả có thể được thực hiện một cách sốt sắng theo mong muốn của Người và theo cách thức có thể chấp nhận được đối với Người…. Vì các cử hành đặc biệt của Người được giao cho các thầy thượng tế, và các thầy thượng tế chia sẽ chức phận mình với các tư tế và các thầy Lêvi. Giáo dân (laikós), một phần tử của Dân Chúa, bị ràng buộc bởi các luật lệ liên quan đến giáo dân” (Clêmentê, Thư gửi tín hữu Côrintô, 40,1-5). Dựa trên nền tảng cấu trúc phụng vụ của Israel cổ xưa này, Thánh Clêmentê đã diễn tả ý nghĩa của một Giáo hội hiệp thông như sau: “Giáo hội được quy tụ bởi Thần Khí ân sủng duy nhất tuôn đổ trên chúng ta. Thần Khí ấy hà hơi trên các chi thể khác nhau của Thân Thể Chúa Kitô, nơi tất cả mọi người, hiệp nhất không có bất kỳ chia rẽ nào, là chi thể của nhau” (Clêmentê, Thư gửi tín hữu Côrintô 46,6-7). Thần Khí là tác nhân làm cho Giáo hội trở nên một cấu trúc năng động, tươi trẻ, hiệp nhất hài hòa, một cấu trúc có sự phân biệt rõ ràng nhưng không tách biệt. Sự phân biệt rõ ràng giữa hàng giáo dân và hàng giáo sĩ không có nghĩa là sự đối lập, nhưng là sự tương trợ sinh tồn giống như sự kết hợp hữu cơ của một cơ thể, một sinh vật với các chức năng khác nhau của nó.

Một Giáo hội hiệp thông mang tính bí tích không có nghĩa là một cơ cấu hỗn loạn, một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội cũng không phải nơi ai muốn làm gì thì làm mỗi người theo ý riêng mình. Trái lại, mỗi người trong Giáo hội, với một cấu trúc khớp nối, thực hiện thừa tác vụ của mình theo ơn gọi mà mỗi người đã lãnh nhận. Đặc biệt, liên quan đến những người lãnh đạo cộng đoàn, Thánh Clêmentê giải thích rõ ràng trong giáo lý về việc “kế nhiệm Tông đồ”. Những quy định của việc kế nhiệm thực chất xuất phát từ chính Thiên Chúa. Đức Kitô đã lãnh nhận sứ vụ từ Thiên Chúa. Các Tông đồ đã đón nhận sứ vụ từ Đức Kitô. Sau đó, các Tông đồ bổ nhiệm các giám mục và phó tế những người đứng đầu các cộng đoàn tiên khởi và thiết lập quy luật rằng họ sẽ được kế nhiệm bởi những người nam xứng hợp. Do đó, mọi sự đã được thực hiện một cách có trật tự, theo ý muốn của Thiên Chúa (x. Clêmentê, Thư gửi tín hữu Côrintô, 42).

Tóm lại, Thánh Giáo hoàng Clêmentê I nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa trong việc thiết lập Giáo hội. Qua Giáo hội, Thiên Chúa tiếp tục đến gặp gỡ chúng ta trong phụng vụ, đi trước các quyết định và ý tưởng của chúng ta. Thánh Giáo hoàng Clêmentê I con cho chúng ta thấy rõ Giáo hội trên hết là một cộng đoàn hiệp thông mang tính bí tích. Giáo hội là một quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải là một cái gì đó mà chính con người đã tạo ra. Công đồng Vaticanô II khẳng định Giáo hội được Đức Kitô thiết lập như bí tích phổ quát của ơn cứu độ Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Giáo hội, và qua Giáo hội, kết hợp họ mật thiết hơn với Người, người cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người (x. Lumen Gentium, số 48).

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Lên đầu trang