Thánh Cyrillô

GIÁO LÝ VỀ CÁC GIÁO PHỤ

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Bài 21: Thánh Cyrillô Alexandria

Tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta lần theo những dấu vết do các Giáo Phụ của Giáo hội để lại, chúng ta gặp một nhân vật quan trọng: Thánh Cyrilô thành Alexandria. Cyrilô liên quan đến cuộc tranh cãi Kitô học dẫn đến Công đồng Ephêsô năm 431. Ngài là đại diện quan trọng cuối cùng của truyền thống Alexandria ở phương Đông, Hy Lạp. Cyrilô được xem là “người bảo vệ sự chính xác” – được hiểu là người bảo vệ đức tin đích thực – và thậm chí là “ấn tín của các Giáo phụ”. Những mô tả cổ xưa này diễn tả rõ ràng một đặc điểm đặc trưng của Cyrillô. Việc Cyrillô liên tục nhắc đến các tác giả Giáo hội trước đó (đặc biệt là Athanasiô), với mục đích cho thấy sự liên tục với truyền thống thần học. Ngài cố ý, dứt khoát đặt mình vào truyền thống của Giáo hội, truyền thống mà ngài nhìn nhận là bảo đảm sự liên tục với các Tông đồ và với chính Chúa Kitô. Được tôn kính như một vị thánh ở cả Đông và Tây, năm 1882, Thánh Cyrilô được Giáo hoàng Lêô XIII tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh, người đồng thời cũng gán danh hiệu này cho một giáo phụ khác của Hy Lạp, Thánh Cyrillô thành Giêrusalem. Như thế, Giáo hoàng Lêô XIII đã bộc lộ sự chú ý và tình yêu đối với các truyền thống Kitô giáo Đông phương. Giáo hoàng Lêô XIII  sau này cũng đã được công bố là Tiến sĩ Giáo hội bởi Thánh Gioan Damascene. Điều này cho thấy rằng cả hai truyền thống phương Đông và phương Tây đều diễn tả giáo lý về Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô.

Chúng ta hầu như không có nhiều thông tin về cuộc sống của Cyrillô trước khi ngài được bầu làm Giám mục của Alexandria. Ngài là cháu trai của Theophilô, người đã cai quản Giáo phận Alexandria với tư cách là Giám mục từ năm 385 AD với một bàn tay sắt và có uy tín. Có khả năng Cyrillô được sinh ra ở đô thị Ai Cập này giữa năm 370 và 380 AD, bắt đầu bước vào đời sống Giáo hội khi ngài vẫn còn rất trẻ và nhận được một nền giáo dục tốt, cả về văn hóa và thần học. Năm 403, ngài đến Constantinôpôli cùng với người chú đầy quyền lực của mình. Chính tại đây, ngài đã tham gia vào cái gọi là “Thượng hội đồng của Oak” đã phế truất Giám mục của thành phố, Gioan (sau này được gọi là “Chrysostom – Kim Khẩu”), và do đó đánh dấu chiến thắng của Tòa Alexandria trước đối thủ truyền thống là Tòa Constantinôpôli, nơi Hoàng đế cư trú. Sau cái chết của người chú Theophilô, Cyrillô khi vẫn còn trẻ, được bầu làm Giám mục của Giáo hội Alexandria, một Giáo hội có ảnh hưởng vào năm 412. Tại Alexandria, ngài đã nhiệt tình phục vụ trong 32 năm. Ngài luôn tìm cách khẳng định tính ưu việt của Giáo hội Alexandria trên khắp phương Đông. Giáo hội Alexandria cũng rất mạnh mẽ bởi vì mối tương quan truyền thống của Alexandria với Rôma.

Hai hoặc ba năm sau, vào năm 417 hoặc 418, Cyrillô đã cho thấy vai trò của ngài trong việc hàn gắn sự hiệp thông đã bị phá vỡ với Constantinôpôli, vốn đã kéo dài từ năm 406 do hậu quả của việc phế truất Gioan Kim Khẩu. Nhưng cuộc xung đột cũ với Constantinôpôli lại bùng lên khoảng 10 năm sau đó, khi vào năm 428 Nestoriô, một tu sĩ nghiêm khắc và độc đoán được đào tạo ở Antiôkia được bầu làm Giám mục. Trên thực tế, Nestoriô tân Giám mục Constantinôpôli đã sớm gây ra sự phản đối vì ngài thích sử dụng danh hiệu của Đức Maria trong bài giảng “Mẹ Chúa Kitô” (Christotòkos) thay vì “Mẹ Thiên Chúa” (Theotòkos), vốn đã rất thân thiết với lòng sùng kính phổ quát. Một lý do cho quyết định của Giám mục Nestoriô là sự tuân thủ của ngài đối với trường phái Kitô học Antiôkia về sự tách biệt giữ bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trong Đức Kitô. Do đó, để bảo vệ tầm quan trọng của nhân tính của Chúa Kitô, Nestoriô đã kết thúc bằng cách tách biệt thiên tính ra khỏi nhân tính trong Đức Kitô. Đối với Nestoriô, sự kết hợp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trong Chúa Kitô không còn có thể là sự thật, vì vậy tự nhiên không còn có thể nói về “Mẹ Thiên Chúa”.

Cyrillô – vào thời điểm đó là bậc thầy của Kitô học Alexandria, đã phản ứng lại rất mạn mẽ. Ngài nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa thiên tính và nhân tính trong Chúa Kitô. Gần như ngay lập tức và từ năm 429, ngài đã gửi một số bức thư cho chính Nestoriô. Trong lá thư thứ hai của Cyrillô gửi cho Nestoriô (PG 77:44-49), viết vào tháng 2 năm 430, chúng ta đọc thấy một lời khẳng định rõ ràng về bổn phận của các Mục tử trong việc bảo tồn đức tin của Dân Chúa. Hơn nữa, đây là chứng từ của ngài, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: đức tin của Dân Chúa là một biểu hiện của truyền thống, nó là một bảo đảm cho giáo lý đúng đắn. Đây là những gì ngài đã viết cho Nestoriô: “Điều cần thiết là phải giải thích giáo huấn và giải thích đức tin cho mọi người theo cách không thể chê trách nhất và nhớ rằng những người gây ra gương mù thậm chí chỉ cho một trong những người nhỏ bé tin vào Chúa Kitô sẽ phải chịu một hình phạt không thể chịu đựng được”.

Trong cùng một bức thư gửi cho Nestoriô – một lá thư mà sau này, vào năm 451, đã được Công đồng Chalcedon, Công đồng IV chấp thuận – Cyrillô đã mô tả đức tin Kitô học của mình một cách rõ ràng: “Do đó, chúng tôi khẳng định rằng dù có sự khác biệt giữa hai bản tính kết hợp thành một thì cũng chỉ duy nhất một Đức Kitô và Chúa Con; Sự khác biệt giữa hai bản tính không bị giảm thiểu bởi sự hiệp nhất, trái lại chính thần tính và nhân tính được hội tụ trong một sự hiệp nhất mầu nhiệm không thể diễn tả được, đã sản sinh cho chúng ta một Chúa, Đức Kitô, Chúa Con.” Và điều này rất quan trọng: nhân tính đích thực và thần tính đích thực thực sự được hiệp nhất chỉ trong một Ngôi vị, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Do đó, Đức Giám mục Alexandria tiếp tục: “Chúng tôi chỉ tuyên xưng một Đức Kitô và Chúa, không phải theo nghĩa là chúng tôi thờ phượng con người cùng với Ngôi Lời, nhưng theo nghĩa là chúng tôi chỉ thờ phượng một và cùng một, bởi vì Đức Kitô không xa lạ với Ngôi Lời, thân thể của Người, mà Người cũng ngồi bên cạnh Chúa Cha, không phải như thể “hai người con” đang ngồi bên cạnh Chúa Cha, nhưng chỉ có một, kết hợp với xác thịt của chính Người”.

Và chẳng bao lâu sau, Nestoriô đã bị kết án bởi Tòa thánh Rôma với một loạt 12 lời buộc tội được soạn thảo bởi chính Cyrillô. Cuối cùng, Nestoriô bị kết án bởi Công đồng được tổ chức tại Êphêsô vào năm 431, Công đồng chung thứ ba. Công đồng diễn ra với các biến cố xen kẽ và hỗn loạn, đã kết thúc với chiến thắng vĩ đại đầu tiên của lòng sùng kính Đức Maria và với cuộc lưu đày của Giám mục Constantinôpôli, người đã không công nhận đặc quyền của Đức Trinh Nữ đối với tước hiệu  là “Mẹ Thiên Chúa”. Sau khi thắng thế trước đối thủ mình, đến năm 433 Cyrillô đã có thể đạt được một công thức thần học về sự thỏa hiệp và hòa giải với người Antiôkia. Điều này cũng rất có ý nghĩa: một mặt là sự rõ ràng của giáo lý đức tin nhưng ngoài ra, mặt khác, việc tìm kiếm mãnh liệt cho sự hiệp nhất và hòa giải. Trong những năm tiếp theo, ngài đã cống hiến hết mình bằng mọi cách có thể để bảo vệ và giải thích lập trường thần học của mình, cho đến khi ngài qua đời vào ngày 27 tháng 6 năm 444.

Các tác phẩm của Cyrillô – thực sự rất nhiều và đã được phổ biến rộng rãi trong các bản dịch tiếng Latinh và phương Đông khác nhau trong cuộc đời của ngài, được chứng thực bởi sự thành công ngay lập tức của chúng – có tầm quan trọng tối tuyệt đối với lịch sử Kitô giáo. Những lời chú giải của ngài về nhiều sách Tân Ước và Cựu Ước rất quan trọng, bao gồm cả những chú giải về toàn bộ Ngũ thư, Ngôn sứ Isaia, Thánh vịnh và Tin mừng của Gioan và Luca. Nhiều tác phẩm giáo lý của ngài cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đức tin vào Chúa Ba Ngôi chống lại các luận điểm của lạc thuyết Ariô và Nestoriô tái diễn. Nền tảng của giáo huấn của Cyrillô là truyền thống của Giáo hội và đặc biệt như tôi đã đề cập, các tác phẩm của Athanasiô, vị tiền nhiệm vĩ đại của Cyrillô tại Tòa Alexandria. Trong số các tác phẩm khác của Cyrillô, những cuốn sách Chống lại Julianô xứng đáng được đề cập. Chúng là phản ứng lớn cuối cùng đối với những tranh cãi chống Kitô giáo, có lẽ được Đức Giám mục Alexandria ra lệnh trong những năm cuối đời để đáp lại tác phẩm Chống lại người Galilê, được viết nhiều năm trước đó vào năm 363 bởi Hoàng đế được gọi là “Bội giáo” vì đã từ bỏ Kitô giáo mà chính ông được nuôi dưỡng.

Đức tin Kitô giáo trước hết và trên hết là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, “một Ngôi vị, mang lại cho cuộc sống một chân trời mới” (Deus Caritas Est, số 1). Thánh Cyrillô thành Alexandria là một chứng nhân trung thành, không nao núng của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa. Thánh Cyrillô nhấn mạnh trên hết sự hiệp nhất của Chúa Giêsu Kitô, như ngài lặp lại vào năm 433 trong lá thư đầu tiên của ngài (PG 77, 228-237) gửi Đức Giám mục Succensô: “Chỉ có một Chúa Con, chỉ có một Chúa Giêsu Kitô, cả trước khi Nhập Thể và sau khi Nhập Thể. Thật vậy, Logos được sinh ra bởi Chúa Cha không phải là một người Con và một người con khác được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ; nhưng chúng ta tin rằng chính Đấng được sinh ra trước các thời đại cũng được sinh ra theo xác thịt và bởi một người phụ nữ. Hơn cả ý nghĩa tín lý của nó, lời khẳng định này cho thấy rằng đức tin vào  Chúa Giêsu Ngôi Lời, được sinh ra từ Chúa Cha, bắt nguồn vững chắc trong lịch sử, bởi vì, như Thánh Cyrillô khẳng định, cũng chính Chúa Giêsu này đã đến đúng lúc với sự giáng sinh của Người từ Đức Maria, Theotòkos, và theo lời hứa của Người sẽ luôn ở với chúng ta. Và điều này rất quan trọng: Thiên Chúa là vĩnh cửu, Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ, và Ngài ở với chúng ta mỗi ngày. Trong niềm tin tưởng này chúng ta sống. Trong sự tin tưởng này, chúng ta tìm thấy con đường cho cuộc sống của chúng ta.

ĐGH Bênêđictô XVI, Tiếp Kiến Chung
Hội trường Phaolô VI, thứ Tư, 03 tháng 10 năm 2007

Lm. An tôn Trần Văn Phúbiên dịch

Lên đầu trang