GIÁO LÝ VỀ CÁC GIÁO PHỤ
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
Bài 20: Thánh Gioan Kim Khẩu
Hôm nay, chúng ta hãy tiếp tục suy tư về Thánh Gioan Kim Khẩu. Sau thời gian ngài ở Antiôkia, năm 397 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Constantinôpôli, thủ đô của Đế quốc Rôma ở phía Đông. Gioan đã lên kế hoạch cải cách Giáo hội của mình ngay từ đầu. Sự khắc khổ về nơi ở của giám mục phải là một tấm gương cho tất cả mọi người – giáo sĩ, góa phụ, tu sĩ, cận thần và người giàu. Thật không may, nhiều người trong số những người mà ngài chỉ trích đã xa lánh ngài. Chú ý đến người nghèo, Gioan cũng được gọi là “Almoner” (nhà bác ái). Thật vậy, ngài là một quản trị viên cẩn thận. Ngài đã thành lập các tổ chức từ thiện được đánh giá cao. Đối với một số người, những sáng kiến của ngài trong nhiều lĩnh vực khác nhau khiến ngài trở thành một đối thủ nguy hiểm. Tuy nhiên, là một Mục tử thực thụ, ngài đối xử với mọi người một cách hiền hòa như một người cha. Đặc biệt, ngài luôn nói chuyện rất nhân từ với phụ nữ và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hôn nhân và gia đình. Ngài mời gọi các tín hữu tham gia vào đời sống phụng vụ, điều mà ngài đã làm cho lộng lẫy và hấp dẫn với sự sáng tạo tuyệt vời.
Mặc dù có trái tim nhân hậu, nhưng cuộc sống của ngài không hề yên bình. Ngài là Mục tử của thủ phủ của Đế quốc Rôma. Điều này khiến ngài tham dự vào các vấn đề chính trị và có mối tương quan với chính quyền và các tổ chức dân sự. Sau đó, trong Giáo hội, sau khi loại bỏ sáu Giám mục ở châu Á vào năm 401 AD, những người đã được bổ nhiệm không hợp pháp, ngài bị buộc tội đã vượt quá ranh giới thẩm quyền của chính mình và do đó ngài dễ dàng trở thành mục tiêu của các cáo buộc. Một lời buộc tội khác chống lại ngài liên quan đến sự hiện diện của một số tu sĩ Ai Cập, bị rút phép thông công bởi Thượng phụ Theophilô của Alexandria, người đã tìm nơi ẩn náu ở Constantinôpôli. Một cuộc tranh cãi nảy lửa sau đó bùng lên vì những lời chỉ trích của Kim Khẩu đối với Hoàng hậu Eudôxia và các cận thần của bà, những người đã phản ứng bằng cách vu khống và lăng mạ ngài. Do đó, họ đã tiến hành loại bỏ ngài trong Thượng hội đồng do chính Thượng phụ Theophilô tổ chức vào năm 403, dẫn đến sự kết án của ngài và cuộc lưu đày ngắn ngủi đầu tiên của ngài.
Sau khi trở về từ cuộc lưu đày, Kim Khẩu đã phản đối một cách mạnh mẽ chống lại việc tổ chức các lễ hội tôn vinh Hoàng hậu. Ngài coi những lễ hội này thuần tuý là lễ kỷ niệm ngoại giáo xa hoa. Ngài cũng đã trục xuất các linh mục chịu trách nhiệm về Bí tích Rửa tội trong Đêm vọng Phục sinh năm 404. Những điều này đánh dấu sự khởi đầu của cuộc bách hại mà Kim Khẩu và những người theo ngài sẽ phải chịu.
Sau đó, Gioan đã từ bỏ những phản đối của mình trong một bức thư gửi Innocentê I, Giám mục Rôma, nhưng đã quá muộn. Năm 406, ngài một lần nữa bị buộc phải lưu vong đến Cucusus ở Armenia. Mặc dù Giáo hoàng Innocentê I đã nhận thấy sự vô tội của ngài, nhưng bất lực để giúp ngài. Rôma mong muốn tổ chức một Công đồng nhằm thiết lập hòa bình giữa Đế quốc và giữa các Giáo hội nhưng đã không thành hiện thực.
Cuộc hành trình mệt mỏi từ Cucusus đến Pityus, một điểm đến mà ngài không bao giờ đến được, có nghĩa là để ngăn chặn các chuyến thăm của các tín hữu và phá vỡ sự kháng cự của cuộc lưu đày mệt mỏi. Việc ngài bị kết án lưu đày là một bản án tử hình thực sự! Nhiều lá thư từ cuộc lưu đày của ngài, trong đó Gioan bày tỏ mối quan tâm mục vụ của mình với sự cảm thông và đau buồn trước cuộc bách hại các môn đệ của ngài đang phải đối diện. Hành trình hướng tới cái chết của ngài dừng lại ở Comana, Ponto. Tại đây, Gioan, người sắp lìa đời, được đưa vào Nhà nguyện của Thánh Tử đạo Basiliscus, nơi ngài đã phó dâng linh hồn mình cho Chúa và được chôn cất, một vị tử đạo bên cạnh một vị tử đạo (Palladius, Dialogue on the Life of St John Chrysostom, 119). Đó là ngày 14 tháng 9 năm 407, Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Ngài được cải táng vào năm 438 bởi Theodosius II. Thánh tích của ngài đã được đặt trong Nhà thờ các Tông đồ ở Constantinôpôli. Sau đó, vào năm 1204, được di chuyển sang Vương cung Thánh Đường Constantinianô đầu tiên ở Rôma, và bây giờ được an nghỉ trong một nhà nguyện Choir của Canons bên trong Vương cung Thánh đường Phêrô. Vào ngày 24 tháng 8 năm 2004, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trao một phần lớn thánh tích của Thánh Gioan Kim Khẩu cho Thượng phụ Barthôlômêô I của Constantinôpôli. Lễ Nhớ của ngài được cử hành vào ngày 13 tháng 9. Giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố ngài là Bổn mạng của Công đồng Vaticanô II.
Người ta nói về Gioan Kim Khẩu rằng khi ngài ngồi trên ngai của Rôma mới, tức là Constantinôpôli, Thiên Chúa đã làm cho ngài như một Phaolô thứ hai, một tiến sĩ của Hoàn vũ. Thật vậy, ở nơi Kim Khẩu có một sự thống nhất về tư tưởng và hành động, ở Antiokia cũng như ở Constantinôpôli. Trong chú giả về sách Sáng thế, khi suy niệm về 8 hành động của Thiên Chúa trong chuỗi sáu ngày, Gioan mong muốn canh tân các tín hữu từ sáng tạo cho tới Đấng Tạo Hóa. Ngài nói: “Đó là một điều tốt lành lớn lao để biết tạo vật từ Đấng Tạo Hóa”. Ngài cho chúng ta thấy vẻ đẹp của tạo vật và sự minh bạch của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Công trình sáng tạo, do đó, trở thành một “cái thang” để lên tới Thiên Chúa để biết Ngài. Tuy nhiên, bước đầu tiên này được thêm vào một bước thứ hai, đó là, Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa cũng là Thiên Chúa của sự dung tha (synkatabasis). Chúng ta yếu đuối trong việc “leo núi”, mắt chúng ta trở nên lờ mờ. Do đó, Thiên Chúa trở thành một Thiên Chúa dung tha, Đấng gửi cho con người sa ngã một tâm thư, đó là, Thánh Kinh, để công trình sáng tạo và Thánh Kinh có thể hoàn thiện lẫn nhau. Chúng ta có thể giải mã sự sáng tạo dưới ánh sáng của Thánh Kinh, bức tâm thư mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Thiên Chúa được gọi là “người cha dịu hiền” (philostorgios) (ibid.), một người chữa lành các linh hồn (Homily on Genesis, 40, 3), một người mẹ (ibid.) và một người bạn trìu mến (On Providence 8:11-12). Nhưng ngoài bước thứ hai này – trước hết, công trình sáng tạo như một “cái thang” đến với Thiên Chúa, và sau đó, sự khoan dung của Thiên Chúa qua một tâm thư mà Người đã trao cho chúng ta, Sách Thánh – còn có bước thứ ba. Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta một tâm thư, cuối cùng, chính Ngài xuống với chúng ta, Ngài nhập thể, thực sự trở thành “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài trở thành anh em của chúng ta cho đến khi chết trên thập giá. Đối với ba bước này – Thiên Chúa có thể nhìn thấy trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa ban cho chúng ta một tâm thư, Thiên Chúa ngự xuống và trở thành một người trong chúng ta – bước thứ tư được thêm vào cuối. Trong đời sống và hành động của người Kitô hữu, nguyên tắc sống còn và năng động là Chúa Thánh Thần (Pneuma), Đấng biến đổi thực tại của thế giới. Thiên Chúa bước vào chính cuộc sống của chúng ta qua Chúa Thánh Thần và biến đổi chúng ta từ bên trong tâm hồn chúng ta.
Trong bối cảnh đó, tại Constantinôpôli, Gioan đã đề xuất, trong cuốn Chú giải về sách Công vụ Tông đồ, mô hình Giáo hội nguyên thủy (Cv 4: 32-37) như một khuôn mẫu cho xã hội, phát triển một “điều không tưởng” xã hội (gần như là một “thành phố lý tưởng”). Trên thực tế, đó là vấn đề mang lại cho thành phố một linh hồn và một khuôn mặt Kitô giáo. Nói cách khác, Kim Khẩu nhận ra rằng bố thí, giúp đỡ người nghèo một cách rời rạc là chưa đủ, mà cần phải tạo ra một cấu trúc mới, một mô hình xã hội mới; một mô hình dựa trên triển vọng của Tân Ước. Chính xã hội mới này đã được mạc khải trong Giáo hội sơ khai. Do đó, Gioan Kim Khẩu thực sự trở thành một trong những Giáo phụ vĩ đại của học thuyết xã hội của Giáo hội: ý tưởng cũ về “polis” Hy Lạp đã nhường chỗ cho ý tưởng mới về một thành phố lấy cảm hứng từ đức tin Kitô giáo. Với Thánh Phaolô (xem I Cor 8:11), Kim Khẩu đã đề cao tính ưu việt của mỗi Kitô hữu, của con người nói chung, ngay cả của người nô lệ và người nghèo. Do đó, khế hoạch của ngài đã sửa chữa cái nhìn truyền thống của Hy Lạp về “polis – thành phố”, trong đó một phần lớn dân số không được tiếp cận với các quyền công dân trong khi ở “thành phố Kitô giáo” tất cả đều là anh chị em với quyền bình đẳng. Tính ưu việt của con người cũng là hoa trái của thực tế là thực sự bằng cách bắt đầu với con người mà thành phố được xây dựng, trong khi ở “polis” Hy Lạp, thể chế xã hội được ưu tiên hơn và cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào toàn bộ thành phố. Vì vậy, “Thành phố Kitô giáo”, một xã hội được xây dựng trên lương tâm Kitô giáo, đã ra đời với Chrysostom. Và ngài nói với chúng ta rằng “polis” [thành phố] của chúng ta là một thành phố khác, “sự thịnh vượng chung của chúng ta ở trên trời” (Pl 3: 20) và quê hương của chúng ta, ngay cả trên trái đất này, làm cho tất cả chúng ta bình đẳng, trở nên anh chị em với nhau, và ràng buộc chúng ta với tình liên đới.
Vào cuối đời, từ cuộc lưu đày ở biên giới Armenia, “nơi xa xôi nhất trên thế giới”, Thánh Gioan, trong bài giảng đầu tiên của mình vào năm 386, đã lấy chủ đề của kế hoạch cho nhân loại mà Thiên Chúa theo đuổi, vốn rất thân thiết đối với ngài. Đó là một kế hoạch “không thể diễn tả và không thể hiểu được”, nhưng chắc chắn được Ngài hướng dẫn một cách yêu thương (xem Về sự Quan phòng, 2, 6). Chúng ta chắc chắn về điều này. Ngay cả khi chúng ta không thể làm sáng tỏ các chi tiết của lịch sử cá nhân và tập thể của chúng ta, chúng ta biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa luôn được thúc đẩy bởi tình yêu của Ngài. Do đó, bất chấp đau khổ của mình, Kim Khẩu tái khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu vô hạn và do đó mong muốn ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Về phần mình, trong suốt cuộc đời, Thánh Gioan Kim Khẩu đã cộng tác quảng đại trong ơn cứu độ này, không bao giờ cho phép mình trốn tránh bổn phận này. Thật vậy, ngài đã nhìn thấy kết thúc cuối cùng của cuộc sống của mình là vinh quang của Thiên Chúa. Ngài để lại cho chúng ta như là di chúc cuối cùng của ngài với những lời sau: “Vinh quang dành cho Thiên Chúa vì tất cả mọi sự” (Palladius, op. cit., n. 11).
ĐGH Bênêđictô XVI, Tiếp Kiến Chung
Hội trường Phaolô VI, thứ Tư, 26 tháng 9 năm 2007
Lm. An tôn Trần Văn Phú, biên dịch