GIÁO LÝ VỀ CÁC GIÁO PHỤ
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
Bài 22: Thánh Hilariô Poitiers
Hôm nay, tôi muốn nói về một vị Giáo phụ vĩ đại của Giáo hội phương Tây, Thánh Hilariô thành Poitiers, một trong những Giám mục quan trọng của thế kỷ IV. Trong cuộc tranh cãi với những người theo lạc thuyết Ariô, những người coi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa là một tạo vật tuyệt hảo của con người nhưng chỉ là con người, Hilariô đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ đức tin vào thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha đã sinh ra Người ta từ đời đời.
Chúng ta không có thông tin đáng tin cậy về hầu hết cuộc đời của Hilariô. Các nguồn cổ đại nói rằng ngài sinh ra ở Poitiers, có lẽ vào khoảng năm 310 AD. Từ một gia đình giàu có, ngài đã nhận được một nền giáo dục văn chương vững chắc, điều này có thể nhận ra rõ ràng trong các tác phẩm của ngài. Dường như ngài không lớn lên trong một môi trường Kitô giáo. Chính ngài nói với chúng ta về một cuộc tìm kiếm sự thật đã dẫn ngài từng bước một đến việc nhận ra Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã chết để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Được rửa tội vào khoảng năm 345, ngài được bầu làm Giám mục của thành phố quê hương vào khoảng năm 353-354. Trong những năm sau đó, Hilariô đã viết tác phẩm đầu tiên của mình, Chú giải Tin mừng Thánh Mátthêu. Đây là bài chú giải lâu đời nhất còn tồn tại bằng tiếng Latinh về Tin Mừng này. Năm 356, Hilariô tham gia với tư cách là Giám mục tại Thượng hội đồng Béziers ở miền Nam nước Pháp, “thượng hội đồng của các Tông đồ giả.” Như chính ngài gọi nó vì hội đồng nằm dưới sự kiểm soát của các Giám mục theo trường phái lạc thuyết Ariô, những người đã phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. “Những Tông đồ giả này” đã yêu cầu Hoàng đế Constantinô kết án lưu đày Giám mục Poitiers. Do đó, vào mùa hè năm 356, Hilariô buộc phải rời Gaul.
Bị trục xuất đến Phrygia ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Hilariô thấy mình tiếp xúc với bối cảnh tôn giáo hoàn toàn bị chi phối bởi lạc thuyết Ariô. Ở đây cũng vậy, mối quan tâm của ngài với tư cách là một Mục tử đã thúc đẩy ngài làm việc vất vả để tái thiết lập sự hiệp nhất của Giáo hội trên nền tảng đức tin đúng đắn như Công đồng Nicea đã xây dựng. Vì điều này, ngài bắt đầu phác thảo tác phẩm tín lý nổi tiếng nhất và quan trọng nhất của riêng mình: De Trinitate (Về Chúa Ba Ngôi). Hilariô giải thích trong đó cuộc hành trình cá nhân của mình hướng tới sự hiểu biết về Thiên Chúa và đã nỗ lực để cho thấy rằng không chỉ trong Tân Ước mà còn trong nhiều đoạn Cựu Ước, trong đó mầu nhiệm của Chúa Kitô đã xuất hiện, Thánh Kinh làm chứng rõ ràng cho thiên tính của Chúa Con và sự ngang hàng của Ngài với Chúa Cha. Đối với những người theo thuyết Ariô, ngài nhấn mạnh đến sự thật về danh xưng của Chúa Cha và Chúa Con, và phát triển toàn bộ thần học Chúa Ba Ngôi của mình dựa trên công thức Rửa tội do chính Chúa ban cho chúng ta: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Chúa Cha và Chúa Con có cùng bản tính. Và mặc dù một số đoạn trong Tân Ước có thể khiến người ta nghĩ rằng Chúa Con thấp kém hơn Chúa Cha, Hilariô đưa ra các quy tắc chính xác để tránh những giải thích sai lệch: một số bản văn Thánh Kinh nói về Chúa Giêsu là Thiên Chúa, những đoạn khác thay vào đó nhấn mạnh nhân tính của Ngài. Một số đoạn đề cập đến Người hằng tồn tại với Chúa Cha từ đời đời; Những đoạn khác xem xét tình trạng từ bỏ chính mình của Người (kenosis), sự tự hạ của Người cho đến cái chết; cuối cùng, những đoạn khác chiêm ngưỡng Người trong vinh quang của sự Phục sinh.
Trong những năm lưu vong, Hilariô cũng đã viết Sách Thượng Hội đồng, trong đó, đối với các Giám mục Gaul anh em của mình, ngài đã sao chép các bản tuyên xưng đức tin và bình luận về chúng cũng như về các tài liệu khác của các thượng hội đồng họp ở phương Đông vào khoảng giữa thế kỷ IV. Luôn kiên quyết chống lại những người theo lạc thuyết Ariô cực đoan, Thánh Hilariô đã thể hiện một tinh thần hòa giải với những người đồng ý tuyên xưng rằng Chúa Con về cơ bản giống với Chúa Cha, tất nhiên tìm cách dẫn họ đến đức tin đích thực. Theo đó, không chỉ có sự giống nhau mà còn có sự ngang hàng thực sự của Chúa Cha và Chúa Con trong thần tính. Đối với tôi, điều này dường như cũng là đặc trưng: tinh thần hòa giải tìm cách hiểu những người chưa đến và giúp họ với trí thông minh thần học tuyệt vời để đạt được đức tin trọn vẹn vào thiên tính đích thực của Chúa Giêsu Kitô.
Vào năm 360 hoặc 361, Hilariô cuối cùng đã có thể trở về nhà sau khi bị lưu đày và ngay lập tức tiếp tục hoạt động mục vụ trong Giáo hội của mình, nhưng ảnh hưởng huấn quyền của ngài trên thực tế đã vượt xa ranh giới của nó. Một thượng hội đồng được quy tụ tại Paris vào năm 360 hoặc 361 vay mượn ngôn ngữ của Công đồng Nicea. Một số tác giả cổ đại tin rằng bước ngoặt chống Ariô này của giám mục Gaul phần lớn là do sự dũng cảm và nhu mì của Giám mục Poitiers. Đây chính là món quà của ngài: kết hợp sức mạnh trong đức tin và sự nhu mì trong các mối quan hệ giữa các cá nhân. Trong những năm cuối đời, ngài cũng sáng tác các Chuyên luận về các Thánh vịnh, một bài bình luận về 58 Thánh vịnh được giải thích theo nguyên tắc được nhấn mạnh trong phần giới thiệu tác phẩm: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những điều được nói trong các Thánh vịnh phải được hiểu theo lời loan báo Tin Mừng để bất kể tiếng nói mà thần khí tiên tri đã nói, tuy nhiên tất cả đều có thể được đề cập đến sự hiểu biết về sự giáng lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Nhập Thể, Cuộc Thương Khó và Nước Trời, quyền năng và vinh quang của sự phục sinh của chúng ta” (Instructio Psalmorum, 5). Ngài đã nhìn thấy trong tất cả các Thánh vịnh sự minh bạch này về mầu nhiệm Chúa Kitô và Thân Mình của Người là Giáo hội . Hilariô đã gặp Thánh Martinô trong nhiều dịp khác nhau: Giám mục tương lai của Tours đã thành lập một tu viện ngay bên cạnh Poitiers, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hilariô mất năm 367. Lễ nhỡ của ngài trong lịch Phụng vụ được cử hành vào ngày 13 tháng 1. Năm 1851, Chân phước Piô IX tuyên bố ngài là Tiến sĩ Hội Thánh.
Để tóm tắt những điều cốt yếu trong giáo lý của ngài, tôi muốn nói rằng Hilariô đã tìm thấy điểm khởi đầu cho suy tư thần học của ngài trong đức tin của Phép rửa. Trong De Trinitate, Hilariô viết: Chúa Giêsu “đã truyền lệnh cho chúng ta phải rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (xem Mt 28:19), nghĩa là, trong lời tuyên xưng của Tác Giả, Con Một Duy Nhất và Quà Tặng. Tác giả của tất cả mọi sự là một duy nhất, vì chỉ một người là Thiên Chúa Cha, Đấng mà mọi sự tiến triển. Và chỉ có một Con Một duy nhất là Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, qua Người mà tất cả mọi sự hiện hữu (xem I Cor 8: 6), và chỉ một Đấng duy nhất là Thần Khí (xem Eph 4: 4), một quà tặng trong tất cả mọi người. Không có gì có thể thấy là thiếu một sự viên mãn quá lớn lao, trong đó sự bao la trong Đấng Hằng Hữu, mạc khải trong Hình ảnh, niềm vui trong Quà Tặng, hội tụ trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (De Trinitate 2:1). Chúa Cha, là tình yêu trọn vẹn, có thể thông truyền thần tính của Người cho Con của Người trong sự viên mãn của nó. Tôi thấy đặc biệt đẹp đẽ công thức sau đây của Thánh Hilariô: “Thiên Chúa không biết làm thế nào để trở thành bất cứ điều gì khác hơn là tình yêu, Ngài không biết làm thế nào để trở thành bất cứ ai khác ngoài Chúa Cha. Những ai yêu thương thì không ghen tị, và Đấng là Cha thì như vậy trong tổng thể của Ngài. Danh xưng này không thừa nhận sự thỏa hiệp, như thể Thiên Chúa là cha trong một số khía cạnh chứ không phải trong những khía cạnh khác” (ibid., 9, 61).
Vì lý do này, Chúa Con hoàn toàn là Thiên Chúa mà không có bất kỳ khoảng trống hay giảm bớt nào. “Đấng đến từ sự hoàn hảo là hoàn hảo vì Ngài có tất cả, Ngài đã ban cho tất cả” (ibid., 2, 8). Nhân loại tìm thấy sự cứu rỗi chỉ trong Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con Người. Khi mặc lấy bản chất con người của chúng ta, Người đã kết hợp chính Người với mọi người, “Người đã trở thành xác thịt của tất cả chúng ta” (Tractatus super Psalmos 54:9); “Người mang lấy bản chất của mọi xác thịt và qua đó trở thành sự sống thật, Người có trong mình gốc rễ của mọi chồi nho” (ibid., 51, 16). Vì lý do này, con đường đến với Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người – bởi vì Người đã lôi kéo tất cả mọi người vào bản thể của mình như một con người – ngay cả khi sự hoán cải cá nhân luôn được đòi hỏi: “Qua mối tương quan với xác thịt của Người, việc tiếp cận với Chúa Kitô được mở ra cho tất cả mọi người, với điều kiện họ phải từ bỏ bản thân trước đây của họ (xem Eph 4: 22), đóng đinh nó vào Thánh Giá (xem Cl 2:14); miễn là chúng ta từ bỏ lối sống cũ của chúng ta và hoán cải để được chôn cất với Người trong phép rửa của Người (xem Cl 1: 12; Rm 6: 4)” (ibid., 91, 9).
Lòng trung thành với Thiên Chúa là một món quà ân sủng của Người. Do đó, Thánh Hilariô yêu cầu, ở cuối Chuyên luận về Chúa Ba Ngôi, để có thể luôn trung thành với đức tin của Phép rửa. Đó là một đặc điểm của cuốn sách này: suy tư được biến đổi thành lời cầu nguyện và lời cầu nguyện trở lại suy tư. Toàn bộ cuốn sách là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Tôi muốn kết thúc bài giáo lý hôm nay bằng một trong những lời cầu nguyện này, do đó trở thành lời cầu nguyện của chúng ta: “Lạy Chúa, xin nhận lấy”, Thánh Hilariô cầu nguyện với cảm hứng, “để con có thể luôn trung thành với những gì con đã tuyên xưng trong tín biểu của sự tái sinh của con, khi con được rửa tội trong Chúa Cha, trong Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Để con có thể thờ phượng Ngài, Chúa Cha, và với Con Một của Ngài, để con có thể xứng đáng với Chúa Thánh Thần của Ngài, Đấng xuất phát từ Ngài qua Con Một của Ngài… Amen” (De Trinitate 12, 57).
ĐGH Bênêđictô XVI, Tiếp Kiến Chung
Hội trường Phaolô VI, thứ Tư, 10 tháng 10 năm 2007
Lm. An tôn Trần Văn Phú, biên dịch