Ki-tô Giáo và Do Thái Giáo: Tổng quan lịch sử

Ki-tô Giáo và Do Thái Giáo: Tổng quan Lịch sử và Thần học

Tác giả: Đức Hồng Y Carlo Maria Martini

Dịch giả: Lm. An-tôn Trần Văn Phú

PHẦN I: TỔNG QUAN LỊCH SỬ

  • Thời Tân Ước và Giáo Phụ
  • Thời Trung Cổ, Hiện Đại và Đương Đại (sẽ được tiếp tục ở số tiếp theo)

I. Thời Tân Ước và Giáo Phụ

  1. Thời Tân Ước

Nói về cội nguồn của Ki-tô giáo, chúng ta phải thừa nhận sự thật Ki-tô giáo bắt nguồn sâu sắc trong Do Thái giáo. Do đó, nếu không có một cảm thức đúng đắn đối về thế giới Do Thái và một kinh nghiệm trực tiếp về nó, người ta không thể hiểu được Ki-tô giáo. Chúa Giêsu hoàn toàn là người Do Thái, các tông đồ cũng là người Do Thái, và chúng ta không thể nghi ngờ sự gắn bó của các ngài với các truyền thống của tiền nhân. Khi loan báo và khai mạc Lễ Vượt Qua của Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su, Đấng Cứu Chuộc hoàn vũ và Tôi tớ đau khổ đã không chống lại giao ước Si-nai; thay vào đó, Người hoàn thành ý nghĩa của Si-nai. Tuy vậy, đâu đó người ta tìm thấy những luận chiến chống Do Thái trong Tân Ước. Những điều này phải được hiểu ở các cấp độ khác nhau.

  1. Ở cấp độ lịch sử, chúng có thể được nhìn trong bối cảnh của các cuộc tấn công giáo phái nhằm vào các nhóm khác nhau (Pha-ri-sêu, Sa-đu-xê-ô, Qum-ran, E-xi-nê).
  2. Trên bình diện thần học, thuật ngữ “người Do Thái”, đặc biệt được tìm thấy trong Tin Mừng Gio-an, được sử dụng để mô tả bất cứ ai từ chối ơ cứu rối đến từ Đức Giêsu.
  3. Trên bình diện cánh chung, đích điểm của các cơ cấu xuất phát từ giao ước được coi là cần thiết cho Nước Trời, khi Thiên Chúa ngự trị “trên tất cả và trong tất cả”.
  4. Trên bình diện Giáo hội, những luận chiến này là một phản ứng đối với những đòi hỏi của những người Do Thái giáo trong giới Ki-tô hữu có nguồn gốc ngoại giáo.

Tất cả những điều này không có nghĩa là ngay từ đầu Ki-tô giáo và Tân Ước đã có một đặc tính bài Do Thái. Sự nhấn mạnh mẽ mà Phao-lô đặt vào truyền thống và giao ước với các tổ phụ trong Thư gửi tín hữu Rô-ma đã chống lại quan điểm như vậy. Nó thậm chí dường như có ý định chống lại một làn sóng chống đối nào đó đối với người Do Thái mà sau đó đã thể hiện giữa một số Ki-tô hữu ở Rô-ma với nền tảng của họ trong thế giới Hy Lạp-La Mã.

2. Thời Giáo Phụ

Để hiểu rõ mối tương quan giữa Do Thái giáo và Ki-tô giáo trong thời kỳ này, chúng ta cần hoàn thành một nghiên cứu về các Giáo phụ để xác định sự hiểu biết của các ngài về mối quan hệ giữa Do Thái giáo của ‘Eres Yisrae’el (Đất Israel) và của cộng đồng hải ngoại. Hơn nữa, nghiên cứu về các dị giáo thế kỷ thứ nhất, đặc biệt là những dị giáo ở Tiểu Á và Trung Đông, cũng như mối quan hệ của chúng với các dòng chảy của người Do Thái, sẽ có giá trị trong việc giúp hiểu được sự ra đời của Hồi giáo.

Cho đến thế kỷ V, thuật ngữ “Do Thái” không có ý nghĩa miệt thị trong các tác phẩm của các Giáo phụ. Các phạm trù tư tưởng và tâm lý Xê-mít tiếp tục thâm nhập vào tư tưởng Ki-tô giáo, đặc biệt là cho đến Công đồng Ni-xê-a (325). Nhưng sau đó, thành quả của tư duy Xê-mít như vậy có thể được nhìn thấy trong các tác giả Xy-ri-a như Thánh Eph-ra-em. Nhờ những tác giả này, và cả Thánh Am-brô-si-ô nữa, những hoa trái này cũng được tìm thấy ở phương Tây. Điều này thậm chí còn đúng hơn khi nói đến đời sống phụng vụ và cầu nguyện, vì điều này chủ yếu liên quan đến kinh nghiệm của hội đường, như chúng ta thấy ở A-le-xan-dri-a vào thời O-ri-gen. Mối liên hệ mật thiết này bắt đầu bị phá vỡ ở Vi-si-goth Tây Ban Nha (thế kỷ thứ bảy), khi các công đồng của Giáo hội gây áp lực buộc những người Do Thái cải đạo phải từ bỏ mọi truyền thống trước đó.

Về phần mình, Thánh Au-gus-ti-nô đã đưa một yếu tố tiêu cực vào sự phán xét đối với người Do Thái. Là một người luôn tìm cách thu thập những câu nói sự thật ngay cả những thứ được tìm thấy trong các tác giả ngoại giáo, Au-gus-ti-nô đã đưa ra cái gọi là “lý thuyết thay thế” theo đó Israel Mới của Giáo hội trở thành một sự thay thế cho Israel cổ xưa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đi đến một tình huống không khoan dung thô thiển.

Bằng chứng về sự đánh giá cao của Ki-tô giáo đối với Do Thái giáo có thể được tìm thấy ngay cả ở Rô-ma, ví dụ, trong bức tranh khảm Ki-tô giáo đầu tiên trong Nhà thờ Santo Sabina. Bên cạnh một nhân vật đại diện cho “Giáo hội của các dân tộc”, bức tranh khảm mô tả “Giáo hôi của những người cắt bì” như một trưởng nữ cao quý.

Ghi chú: Bài viết sẽ được tiếp tục ở số tiếp theo

Lên đầu trang